Cốt truyện Hậu cung Như Ý truyện

Cốt truyện tiểu thuyết mở ra với những năm cuối Ung Chính và đầu thời Càn Long, xoay quanh nhân vật Thanh Anh (青櫻), xuất thân Ô Lạp Na Lạp thị danh môn. Nguyên rằng người cô trong họ là Cảnh Nhân cung Hoàng hậu Ô Lạp Na Lạp thị có tội với Tiên Đế, Thanh Anh và gia tộc Ô Lạp Na Lạp thị phải chịu ngọn đao gió lớn ập tới khi triều đại Ung Chính kết thúc. Mẹ nuôi của Tân Đế, Hoàng thái hậu Nữu Hỗ Lộc thị - kẻ thù cũ của Ô Lạp Na Lạp thị - đường hoàng trở thành trưởng bối trong cung. Mang tâm thế của kẻ chiến thắng đó, Thái hậu đã tuyên bố chị của Ô Lạp Na Lạp thị - Phúc tấn của Tiên Đế - sẽ được truy tôn làm Hiếu Kính Hoàng hậu, còn như Ô Lạp Na Lạp thị sẽ chỉ là một người Phi tần vô danh của Tiên Đế được mai táng qua loa trong Phi viên tẩm.

Tai họa ập đến gia tộc Ô Lạp Na Lạp thị, cũng chính là chấn kinh dành cho Thanh Anh. Xuất thân danh môn nên từ bé Thanh Anh đã có tính cách ưa được chiều chuộng. Khi Cảnh Nhân cung Hoàng hậu còn đắc thế, Thanh Anh được định gả làm Đích Phúc tấn cho Tam a ca Hoằng Thời, nhưng Tam a ca mãi cự tuyệt cô, khiến cô xấu hổ, ngay lúc ấy Nữu Hỗ Lộc thị - vẫn còn là Hi Quý phi - đã xin cho cô làm Trắc Phúc tấn của con trai nuôi của bà, Tứ a ca Hoằng Lịch. Trong các vị Hoàng tử của Tiên Đế, Tứ a ca Hoằng Lịch là người ít được sủng ái nhất, Thanh Anh ban đầu cũng không thỏa mãn vị trí này. Nhưng về sau dài, tình cảm Thanh Anh dành cho Hoằng Lịch đã thay đổi. Đến khi Cảnh Nhân cung Hoàng hậu thất thế, bị Tiên Đế chán ghét mà giam cầm, Thanh Anh phải tự thu liễm chính mình. Khi Hoằng Lịch lên ngôi, trở thành Càn Long Đế, Nữu Hỗ Lộc thị trở thành Thái hậu, cái họ "Ô Lạp Na Lạp thị" của Thanh Anh trở thành gánh nặng nhất của cô. Dù cho Hiếu Kính Hoàng hậu đã được truy tôn kia cũng là một người cô khác của Thanh Anh, song Hiếu Kính Hoàng hậu đã qua đời từ rất lâu, người cô ruột là Cảnh Nhân cung Hoàng hậu lại bị giam cầm, Thanh Anh hoàn toàn thân cô thế cô.

Vì một đời bình an trước mắt, Thanh Anh xin Thái hậu ban tên, và cái tên 「Như Ý; 如懿」 đã được Thái hậu chọn. Chữ Ý [懿], có nghĩa "Mỹ hảo an tĩnh", một đời Như Ý phải ghi nhớ rằng yên tĩnh mà sống mới là trường cửu.